Breaking News

Đừng để trái tim của mẹ tổn thương

Bạn ấy đã từng hỏi tôi hay đúng hơn là tự hỏi mình: “Tại sao cậu lúc nào cũng có thể im lặng như vậy? Chẳng nóng chẳng lạnh?”. Khi con người ta chẳng quan tâm đến cái gì, chẳng có mục tiêu cũng chẳng có ý nghĩa sống thì sẽ trở thành vậy đấy.


“Bầu trời xanh thẳm không một gợn mây, những tia nắng vàng ươm tung tăng nhảy nhót trên những tán lá thỉnh thoảng lại lay động nhẹ nhàng vì những làn gió nhẹ nhàng lướt tới. Tất cả tạo nên một tổ hợp lung linh đầy thơ mộng…”

Đây có nên gọi là những lời có cánh của người đang yêu mà điển hình là nhóc bạn cùng lớp đang ngồi sau tôi đây? Nhưng lúc này nó lại được hòa trộn cùng với bài phát biểu của thầy hiệu trưởng trường tôi và cái nắng chói chang như rót lên đầu tôi đây. Có lẽ điều này đã là quá sức chịu đựng của tôi.

- Hôm nay qua nhà mình một chút nhé, mình có cái này cho bạn đấy!

Đó là Hà, người bạn thân thiết duy nhất của tôi, cũng chẳng hiểu tại sao hai đứa lại chơi với nhau được nữa. Nhỏ là một cô bé xinh xắn, đáng yêu, dịu dàng, lúc nào cũng quan tâm đến người khác, còn tôi lại cực kì ngang bướng “mềm cứng gì đều không ăn” - cái câu mà lúc nào mắng chửi xong mẹ tôi cũng lấy ra làm kết luận . Có lẽ điểm chung duy nhất của hai chúng tôi chính là đều không có cha… 

Cũng chẳng nhớ là khi nào nữa, hình như lâu lắm rồi, tôi nhớ rằng hình như mình cũng từng rất hạnh phúc bởi lúc đó tôi còn có cha. Còn nhớ ngày nhỏ, điều kiện gia đình không tốt, thỉnh thoảng mới có thịt trong bữa cơm, lần nào bố cũng gắp thịt cho tôi, chăm chú nhìn tôi ăn. Đó là một đôi mắt thật ấm áp lúc nào cũng hiền từ nhìn tôi, đến nỗi sau này một khi nhắm mắt lại tôi vẫn thường hình dung ra đôi mắt ấy. Nhưng về sau, trong nhà có thịt ăn mỗi bữa, ông lại không trở về nữa. Tất cả tan vỡ từ khi ông đi theo người đàn bà khác, trong nhà lúc nào cũng là không khí u ám nặng nề, mẹ lúc nào cũng cáu gắt, có khi còn đập nát đồ đạc, ông ngoại thì lắc đầu thở dài, còn bà ngoại luôn đay nghiến trì triết. Trong góc tối cô đơn một mình tôi ngồi ôm con búp bê nhỏ bố mua, hi vọng biết chừng nào ông sẽ lại quay về, mua kẹo cho tôi giống như mỗi lần bố đi công tác, mỗi ngày đều đứng ở cổng trường vẫy tay với tôi khi tôi tan lớp, mỗi tối đều ôm bàn tay nhỏ xíu của tôi vào lòng dạy tôi làm phép tính… Tiếc là chẳng thể nào xảy ra nữa!

Chỉ còn mẹ lớn tiếng quát: “Không được khóc! Từ nay không được gọi bố! Con không có bố, hiểu chưa?”



Sau này có mấy lần khi tan học, bố đợi tôi trước cổng trường, mua cho tôi rất nhiều quà, còn đưa tôi đi chơi trò chơi ở công viên nữa, lúc đó bố thường xoa đầu tôi nói rằng: “Con gái yêu của bố phải ngoan, nghe lời mẹ nhé!”. Tôi thường lặng im không nói gì bởi điều tôi muốn là bố trở về bên tôi thì chẳng thể nào nói nên lời. Rồi mẹ phát hiện ra, và tôi phải chuyển trường, tôi không còn gặp bố nữa. 

Từ đó tôi nghĩ mình là một con robot biết nói, máy móc sống trong vòng tuần hoàn cô độc của bản thân. Tôi thờ ơ với mẹ, lãnh đạm với bạn mới. Thế nên chẳng có ai thích chơi với tôi mà tôi cũng chẳng cần làm bạn với ai. Khách sáo và phòng bị có lẽ là phương châm ứng xử của tôi, cho tới khi gặp được Hà.

Có lẽ cậu ấy là người duy nhất có đủ kiên nhẫn để “quan tâm” đến tôi. Ngày ấy sau khi chuyển đến lớp tôi, Hà đã chủ động xin thầy ngồi cạnh tôi và mỗi ngày lúc nào cũng líu ríu tâm sự với tôi từ chuyện thời tiết cho đến chuyện gia đình. Tôi vẫn giữ nụ cười khách sáo nhưng chẳng buồn nghe, ấy thế mà lúc ra về bạn ấy cũng đi theo tôi hỏi này hỏi nọ, mặc kệ tôi thờ ơ chẳng thèm trả lời. Bạn ấy đã từng hỏi tôi hay đúng hơn là tự hỏi mình: “Tại sao cậu lúc nào cũng có thể im lặng như vậy? Chẳng nóng chẳng lạnh?”. Khi con người ta chẳng quan tâm đến cái gì, chẳng có mục tiêu cũng chẳng có ý nghĩa sống thì sẽ trở thành vậy đấy.

Nhưng rồi dần dần tôi lại không kháng cự lại mà trả lời Hà, cũng dần dần cảm thấy quen với những câu chuyện không đầu không đuôi, quen với tính hài hước hay chọc tôi, cũng dần biết cười thực sự. Tôi và cậu ấy thường đi học cùng nhau dù nhà hai đứa cũng chẳng gần nhau. Nhà Hà nằm trong xóm trọ nhỏ cho công nhân công trường, mẹ bạn ấy làm công nhân ở đấy đã rất lâu rồi, từ ngày bố bạn mất do bị bệnh thận mà không có tiền chạy chữa.


Đây là lần đầu tiên tôi đến nhà Hà, căn nhà còn đơn sơ hơn những gì tôi tưởng tượng khi chỉ là một gian được ngăn ra làm hai phòng nhỏ, phòng ngoài để bếp và một bộ bàn ghế để tiếp khách, phòng trong thì chỉ có một chiếc giường , tủ và bàn học. Mẹ cậu ấy là một người phụ nữ chân chất, mỉm cười hiền lành nhìn tôi rồi kéo tôi ngồi xuống nói chuyện. Đôi bàn tay thô ráp vì việc nặng nắm lấy tay tôi hỏi han, có lẽ bác mới đi làm về vì bộ quần áo công nhân còn lấm lem bùn đất và chiếc khăn mỏ quạ đã ướt đẫm mồ hôi.

“Cái Hà nhà bác mất cha từ khi lên năm, chỉ còn một mình bác xoay sở nuôi nấng con bé. Bác lại chẳng có kiến thức học vấn gì, chỉ có thể đi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng lại phải đi làm suốt cả ngày,có khi cả tối, chẳng có thời gian quan tâm đến nó. Cũng may cái Hà nó biết thương mẹ, tự quán xuyến việc nhà và đỡ đần mẹ, có nhiều lúc còn động viên bác nữa đấy, có lẽ cái Hà là chỗ dựa của bác ấy chứ, không có nó chắc bác chẳng sống nổi đến ngày hôm nay đâu.”

Những lời tâm sự của một người mẹ lại làm tôi nhớ đến một người mẹ khác, người mà có lẽ tôi đã làm tổn thương rất nhiều, đó chính là mẹ tôi. Tình cảm tôi dành cho mẹ bắt đầu rạn nứt từ khi bố ra đi, lúc mẹ bảo rằng tôi sẽ không có bố. Tôi càng giận mẹ hơn khi biết mẹ không cho bố gặp tôi, lúc đó tôi cảm thấy mẹ là người mẹ độc ác nhất. Hét vào mặt mẹ: “Con ghét mẹ!”, tôi cảm thấy hả hê khi thấy mẹ khóc trước mặt bà nội vì tôi muốn mẹ phải đau khổ khi làm thế với tôi. Những tháng ngày sau này thì nhốt mình trong phòng và không thèm trả lời chính là cách phản kháng lại mẹ của tôi. Bởi tôi biết đó là cách tốt nhất làm khổ mẹ. Mặc kệ mẹ làm thế nào thì đứa con duy nhất của mẹ vẫn ghét mẹ đấy… Tôi biết mẹ đã tìm mọi cách quan tâm đến tôi, nhờ bà ngoại tâm sự với tôi, dồn hết công sức kiếm tiền chăm lo cuộc sống cho tôi. Tôi biết mỗi khi đi làm về muộn, việc đầu tiên mẹ làm là vào phòng tôi, ngồi bên xem tôi ngủ rồi rón rén dọn dẹp mọi thứ tôi phá phách. Mỗi lần như vậy tôi thường trùm chăn im lặng rơi nước mắt, nhưng bản thân lại không muốn tha thứ cho mẹ, càng không muốn thừa nhận “Con sai rồi”, dù trong lòng đang lặp đi lặp lại điều đó, vậy thì hãy để cả hai cùng đau khổ đi. Tôi đã sống như vậy một năm trời cho đến ngày hôm nay…

Giờ tôi chợt nhận ra tôi luôn níu kéo quá khứ đã qua mà gạt bỏ mọi thứ ở hiện tại, phủ nhận tình yêu của mẹ tôi, làm mẹ đau khổ. Nhưng nhỡ có một ngày mẹ không còn đủ sức yêu thương tôi, chẳng còn thời gian để tôi yêu mẹ thì tôi biết làm sao đây? 

Mẹ của con luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng có lẽ sâu thẳm trong trái tim yếu ớt của mẹ cũng cần biết bao một chỗ dựa là con! Xin lỗi mẹ! Con xin lỗi mẹ!

Hà lấy từ ngăn bàn học ra một lọ sao ước rất đẹp đem đến trước mặt tôi: “Chúc mừng sinh nhật cậu nhé! Mình đã gấp nó rất lâu rồi, mong rằng cậu sẽ thích!”

Sinh nhật từ lâu đối với tôi cũng chỉ là một ngày bình thường nay có lẽ cũng nên có ý nghĩa cho cả mẹ và tôi rồi.

Ra khỏi nhà Hà, tôi không kìm được nước mắt, nhưng là giọt nước mắt hạnh phúc vì tôi đã tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình, từ nay tôi phải trở thành chỗ dựa cuộc đời mẹ, là hy vọng của me. Còn bây giờ tôi sẽ về nhà nấu một bữa cơm thật ngon đợi mẹ và nói với mẹ rằng: 

“Con xin lỗi!... VÀ CON YÊU MẸ!”