Cánh diều và những chiều lộng gió
Nụ cười sún răng có hình ảnh con diều, có dấu ấn của những đứa cắn đôi quả xoài non giòn rụm, mặc cho những ngọn gió có thổi ù ù làm mái tóc mai chúng tôi lòa xòa trong ánh nắng chiều buông. Nụ cười ấy sẽ đọng lại trong kí ức về khoảng trời trẻ thơ chúng tôi, đẹp mãi.
Hôm nay tôi học thêm toán ca chiều. Nhà thầy khá nhỏ nằm ở vùng ngoại ô, khoảng cách khá xa so với nhà tôi, nhưng tôi thích học ở đấy, phần vì tôi quí thầy, phần vì không gian nơi ấy làm tôi dễ chịu. Tôi đến sớm, làm bài sớm và nghỉ sớm, tôi ngồi nhà thầy chơi, sẵn đợi giờ học hóa. Cơn gió lướt qua làm mấy hàng bạch đàn trước hiên rì rào, gió đượm mùi rạ mới gặt, thơm đến nao lòng... Tự dưng tôi nhớ ngày còn bé. Nhớ cánh diều và những chiều lộng gió.
Ngày bé, nhà tôi cũng ở ngoại ô, căn nhà nhỏ có hàng bạch đàn trước ngõ và xa xa cách đồng trải dài tít tắp. Nhớ độ học lớp hai, lớp ba tôi cùng bọn trong xóm hay rủ nhau thả diều, nhưng khi lớn lên thì trò chơi ấy mai một dần rồi... mất hẳn. Sau ngày người ta gặt lúa, khoảng ruộng chỉ còn trơ ra mấy gốc rạ ngang tầm đầu gối chúng tôi, xốp và khô khốc. Ngày ấy không có điều kiện như giờ, đa số những đứa trẻ trạc tuổi trong xóm tôi đều là con nhà nghèo, đứa nào cũng đen và ốm nhách. Chúng tôi “chế” diều từ những tờ báo, bọc nilon hay những cuộn giấy cũ, những trang sách, vở màu ngà và đôi phần vàng ố. Khung diều từ những mảnh tre vót không đều tay, sần sùi, ram ráp. Tôi nhớ mùa thả diều ngay thời điểm chúng tôi kết thúc học kì một, mặc sức chơi chẳng sợ đánh đòn. Mùa diều còn là mùa của những quả xoài non to tầm ngón tay cái người lớn, gió to nên cứ thay nhau rụng lộp bộp. Tôi nhặt những quả to nhất, mới rụng nhất mang vào rửa sạch, gọt vỏ và ngâm mắm đường bỏ bọc, đợi tí đi thả diều có cái nhâm nhi cùng mấy “chiến hữu”. Xoài non chua ghê lắm, nhưng mà giòn rụm, đứa nào đứa nấy nhăn mặt cắn, xuýt xoa kêu chua mà bịch xoài chẳng hôm nào ế. Tôi nhớ bọn xóm trên hay xuống thả và tranh “địa bàn”, chúng nó có những con điều cá mập bằng nilon và những cuộn dây dù chắc lắm, chả bù cho bọn tôi toàn diều én tự chế, bay thấp lè tè. Mà bọn con trai xóm tôi cũng chẳng hiền, tụi nó hăm he mấy thằng xóm trên mấy bận không thành, thế là cả bọn góp tiền cà rem mua lấy cuộn dây thiệt chắc. Biết chi không? “Cưa diều” á.
“Cưa diều” đòi hỏi kinh nghiệm thuần thục lắm mới làm được, xóm tôi được mỗi thằng Tũn mập, anh hai nó và tôi là biết cách chứ bọn “a dua” kia thì chịu. Diều của tụi tôi bay bắt chéo qua dây của tụi xóm trên, mà dây của tụi tôi nằm trên dây tụi nó mới được đặng khi diều lên cao thì mới bắt đầu “cưa”, “cưa” là cầm dây kéo liên tục, cà cho nóng hai cọng dây diều, mà phải canh bọn xóm trên lỡ có nhìn qua là buông, vờ như giật dây chơi chơi thôi. Hai cọng dây cứa một hồi là có cọng đứt, tụi kia thả xa lắm, lực gió dẩy mạnh thành ra diều bay cao nên đứt dây là khỏi lượm, có lượm được cũng chạy hụt hơi. Trò đó đôi khi cũng hại diều bọn tôi đứt dây không ít lần.
Sau này bọn xóm trên cũng biết, về méc ba má, tụi tôi ăn đòn, vậy là “giải nghệ”, nhưng mà vẫn cay cú tới mấy tuần sau...
Diều mới đầu thả phải chạy chứ đứng một chỗ mấy con “cà tàng” không chịu bay, vừa chạy vừa ngước mặt giật dây nên té hoài, ruộng lổm chổm chứ có láng như nền xi măng đâu, chưa kể mấy gốc rạ cứa vô chân rớm máu hoài. Đợi diều bay, thả hết dây ra là tụi tôi cột vô cục đất bự tổ chảng rồi bay qua ụ rơm cao ngất giữa đồng. Đứa nào cũng mặc sức la, vừa la vừa leo, miễn mà có đứa leo tới ngọn rồi thì mấy đứa còn lại phải tụt xuống, bởi cái ụ rơm không thể chịu đựng sức của ba bốn đứa cùng leo trên đỉnh được.
Tôi nhớ hoài mùi của ụ rơm, thơm thơm, ngòn ngọt, thứ mùi đôi khi trong tiềm thức lại làm tôi khắc khoải. Gió ở cánh đồng ù ù, mát rượi, rặng cây xà cừ reo vui, mấy gốc rạ cũng đung đưa, tóc tai bọn tôi cứ rối mù hết cả, nụ cười lem nhem đất, lem nhem bụi, lem nhem cả cái tinh ranh của cơn gió đượm mùi rạ mới.
Tuổi thơ bọn tôi lớn lên như thế, cơ cực mà rộn vang niềm tự tại. Giờ mỗi đứa một nơi, chẳng biết tụi nó cò còn nhớ hay quên? Lớn lên và giờ đây những buổi chiều như thế là một điều xa xỉ. Nhưng thật may mắn vì có những ngày như thế, vô tư, vô lo, để mỗi bận nhớ về thấy mình như nhỏ lại, muốn cười thật tươi, nụ cười của ngày ấy, trong veo! Nụ cười sún răng có hình ảnh con diều, có dấu ấn của những đứa cắn đôi quả xoài non giòn rụm, mặc cho những ngọn gió có thổi ù ù làm mái tóc mai chúng tôi lòa xòa trong ánh nắng chiều buông. Nụ cười ấy sẽ đọng lại trong kí ức về khoảng trời trẻ thơ chúng tôi, đẹp mãi.
Thầy hỏi tôi làm gì ngồi ngẩn ngơ mà chưa đi học hóa, tôi cười xòa mà trong sâu thẳm nghe lòng mình lên tiếng “Chắc tại cánh diều và những chiều lộng gió ngày xưa!”
Phan Thủy